|
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, trước hết cần phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài trong đó phải có sự chung tay của cộng đồng |
Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Ô nhiễm nước ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bởi các hợp chất hữu cơ.
Các hợp chất này độc và có độ bền sinh học cao, đặc biệt là các hidrocacbon thơm gây ô nhiễm môi trường mạnh và làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người.
Các kim loại nặng có trong nước là cần thiết cho sinh vật và con người. Tuy nhiên, nếu hàm lượng này quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, gây nhiễm độc trầm trọng, sau đó dẫn đến nhiều căn bệnh như: Đột biến, ung thư.
Trong một vài nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư da.
Ngoài ra, các vi khuẩn có hại trong nước có từ chất thải sinh hoạt của con người, động vật khi bị ô nhiễm có thể gây ra các bệnh tả, bại liệt và thương hàn.
Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm amoni, nitrat, nitrit gây bệnh da xanh, thiếu máu; nếu nhiễm lưu huỳnh lâu ngày, có thể bị bệnh về đường tiêu hoá, nhiễm natri gây bệnh tim mạch và cao huyết áp.
Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, trước hết cần phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài. Một yếu tố quan trọng đó là phải có sự chung tay của cả xã hội.
Do đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động xấucủa ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của con người.
Đồng thời, cần tuyên truyền, thúc đẩy người dân nâng cao ý thức cộng đồng để chung tay giữ sạch nguồn nước bằng các cách đơn giản như: Không xả rác nơi công cộng; không xả chất thải trực tiếp vào nguồn nước sạch; không sử dụng chất thải tươi làm phân bón; hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất…
Các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật (trong đó có ung thư), các gia đình cần thiết phải sử dụng nguồn nước sạch. Cụ thể, nên có công nghệ lọc nước đủ tiêu chuẩn tại nhà để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Người dân không nên sử dụng lãng phí nước sạch. Mặt khác cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng, cải tạo những đường ống dẫn nước hay những bể chứa nước để tránh thất thoát nước.
Đối với việc tưới cây, rửa xe, quét sân nên sử dụng nguồn nước mưa sẽ giúp tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sạch.
Đối với rác hữu cơ ở mỗi gia đình, khu tập thể hoặc nơi công cộng cần phải có những phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp xử lý hợp vệ sinh để bảo vệ nguồn nước sạch, tránh gây ô nhiễm.
Đặc biệt, phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo mới đổ ra hệ thống cống chung để bảo vệ nguồn nước sạch, tránh tình trạng xả tràn lan gây ô nhiễm môi trường.
Đối với việc xử lý chất thải của người và động vật, cần phải có những kế hoạch thu gom thông qua các hố ủ vệ sinh hợp lý…
Thái Phóng
Nguồn:
http://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/mot-so-bien-phap-bao-ve-nguon-nuoc-sach-1075
https://cuocsongantoan.vn/o-nhiem-nguon-nuoc-sinh-hoat-va-nhung-tac-hai-doi-voi-doi-song-nguoi-dan-15332.html